LỄ VÍA ÔNG - NHÀ LỚN LONG SƠN

Cứ mỗi năm đến ngày 19/2 âm lịch, Nhà Lớn Long Sơn lại tổ chức lễ vía để tưởng nhớ người đã khai mở ra mảnh đất này. Qua thời gian, lễ Vía Ông đã mở rộng về quy mô tổ chức và đã trở thành lễ hội văn hóa thường niên, thu hút đông đảo nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước tham gia, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ.


lễ Vía Ông kéo dài trong 2 ngày 19 và 20/2 âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn người từ các miền quê từ An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre... về đây hành hương, cúng lễ... Ngày 19 gọi là ngày lễ tiên thường, tổ chức hai lần vào buổi sáng (lúc 10 giờ) và buổi chiều (lúc 16 giờ). Nhà Lớn làm cỗ để đãi mọi người từ thập phương về hành lễ. Những người trong họ tộc, những người tin theo Ông Trần và từ phương xa hành hương tới cũng có những lễ vật như bánh kẹo, trái cây, tôm, cá... bày thành mâm cúng trong Nhà Lớn vào ngày này. Ngày 20, gọi là chính lễ, tổ chức trọng thể một lần vào buổi trưa (lúc 11 giờ). Mâm cỗ cúng lễ chỉ làm đồ chay. Trong hai ngày lễ này tất cả các bàn thờ trong Nhà Lớn đều thắp đèn, nhang suốt ngày đêm. Những nhóm người hành lễ nối tiếp nhau hầu như không dứt. Nghi thức hành lễ, cúng lạy cũng thực hiện như trong các buổi lễ thường nhật. “Để chuẩn bị thật tốt cho ngày lễ này, mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó rất lâu. Có khoảng hơn 1.000 người tham gia phục vụ tại Nhà Lớn trong các ngày lễ để đãi khách thập phương. Trong số các lễ vật dâng kỉnh trong lễ Vía Ông, bánh quy là món mang nhiều ý nghĩa nhất. Bánh quy tượng trưng cho sự quy tụ, sự đoàn kết gắn bó mà Ông Trần đã dạy cho con cháu lúc sinh thời. Lễ Vía Ông còn là dịp để cộng đồng cư dân Long Sơn thêm gắn kết; nối hiện tại với quá khứ, nhắc nhở con cháu về ông bà, tổ tiên” - nguồn gốc câu tục ngữ "bánh ít trao đi - bánh quy trao lại" được nhắc nhớ cùng con cháu và khách thập phương.